Phân tích cơ bản là gì?

Designed by macrovector / Freepik
Phân tích cơ bản (Fundamental Analysis) là việc kiểm tra các báo cáo tài chính của một công ty và các chỉ số kinh tế rộng hơn nhằm hiểu được giá trị nội tại của một chứng khoán. Phân tích cơ bản sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về giá trị thực sự của khoản đầu tư dựa vào tình hình tài chính của riêng công ty, ngành hay cả thị trường trong và ngoài nước.
Phân tích cơ bản sẽ chỉ cung cấp cho chúng ta những con số, để nắm bắt được những con số biết nói này, bạn cần phải có hiểu biết toàn diện về việc đọc hiểu Báo cáo tài chính, hiểu được các chiến lược riêng của công ty, tình hình toàn ngành hay những tác động của thị trường và các yếu tố vĩ mô. Bài viết này sẽ là phần đầu tiên trong chuỗi bài viết về phân tích cơ bản, nhằm định hình và giúp những nhà đầu tư có thêm những lựa chọn trong việc phân tích nhằm đem lại khoản lợi nhuận tối ưu nhất trên thị trường chứng khoán.
Vậy tại sao phân tích cơ bản lại quan trọng?
Phân tích cơ bản giúp nhà đầu tư có thể hình dung được một con đường dài dựa trên các dấu hiệu ngắn hạn, tập trung vào những yếu tố cốt lõi trong hoạt động và phát triển cũng như tầm nhìn của một công ty. Khi nhìn vào những con số mà PTCB chỉ đến, nhà đầu tư có thể hình dung được những tác động của vĩ mô đến với công ty, nhu cầu của thị trường với hàng hóa của công ty đấy, tuy nhiên, quan trọng nhất chính là đánh giá được tầm nhìn cũng như năng lực của đội ngũ quản lý. Một công ty có đội ngũ quản lý đủ mạnh sẽ dẫn dắt được công ty bước qua những con giông bão to lớn nhất, đồng thời thúc tiến sự phát triển bền vững của công ty đấy. Thị trường đã cho chúng ta rất nhiều những ví dụ về những cổ phiếu hàng đầu sẽ luôn có sự góp mặt của những cá nhân quản lý kiệt suất nhất. (VD: APPL, AMZN, GOOG,…).

Cổ phiểu APPL tăng trưởng mạnh mẽ sau giai đoạn Tim Cook trở thành CEO năm 2011 (Chart by Yahoo Finance)
Không những thế, phân tích cơ bản có thể giúp chúng ta nhận thấy những cổ phiếu bị định giá quá cao trên thị trường. Từ việc phân tích những mâu thuẫn, xung đột trong báo cáo tài chính, những dấu hiệu của việc công ty làm việc kém hiệu quả lại trái ngược hẳn với tình hình cổ phiếu của công ty đấy. Giúp chúng ta nhìn ra được sớm một quả bong bóng đang chuẩn bị phát nổ, và tránh những rủi ro về việc thua lỗ trên thị trường. Bài học về Encron có lẽ sẽ quá đủ để chúng ta có thể nhìn nhận được vấn đề trên. (Sẽ được nghiên cứu trong những phần sau).
Ngược lại, đôi lúc chúng ta sẽ tìm được những khoản lợi nhuận cực lớn dựa vào việc tìm ra những cổ phiếu bị đánh giá quá thấp trên thị trường. Những con gà đang mang trứng vàng này sẽ cho chúng ta thấy được việc tăng trưởng trong doanh số, khả năng quản lý nguồn vốn hiệu quả, sự bền vững trong hoạt động và tiềm năng phát triển lâu dài mang lại khoản lợi nhuận cực lớn cho những nhà đầu tư và cổ đông.
Chúng ta có thể tìm những phân tích này ở đâu?
Một số nguồn tin phổ biến và đáng tin cậy nhất để tìm hiểu về một công ty bao gồm:
- Trang web của công ty: Hầu hết các công ty đều sẽ công khai các báo cáo tài chính kèm thuyết minh cho nhà đầu tư. Đồng thời cũng nói ra quan điểm về sứ mệnh, tầm nhìn, cũng như các dự án, thông tin quan trọng về công ty đấy.
- Ủy ban chứng khoán nhà nước: (ssc.gov.vn) Ủy ban chứng khoán nhà nước sẽ cung cấp rất nhiều thông tin chung về thị trường, tình hình hoạt động của doanh nghiệp niêm yết,… đây là nguồn tin uy tín và rất đáng tin cậy.
- Nền tảng tài chính, các trang thông tin khác: Có rất nhiều các trang thông tin điện tử cung cấp cho chúng ta các báo cáo tài chính của công ty đấy, một vài trang còn có sẵn công cụ để tính giúp chúng ta những chỉ số quan trọng nhất (vietstock,…). Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cẩn trọng, xác thực khi tiếp nhận những thông tin từ những nguồn này.
Hãy nhớ rằng, khi phân tích cơ bản hãy tận dụng thật nhiều nguồn để có cái nhìn toàn diện và hiệu quả nhất về triển vọng phát triển của một công ty và tình hình chung của thị trường. Phân tích cơ bản đòi hỏi nhà đầu tư có những hiểu biết sâu rộng và rõ ràng về những chỉ số, những gì mà các con số đấy thể hiện và nó phải được nhìn chung với chỉ số của ngành cũng như của thị trường. Phân tích cơ bản thường xuyên được sử dụng cho cổ phiếu, nhưng nó có thể hữu ích cho bất kỳ chứng khoán nào, từ trái phiếu đến phái sinh. Nếu bạn cần xem xét các yếu tố nền tảng nhất, tốt nhất không nên bỏ qua phân tích cơ bản.
Đâu là thứ chúng ta cần xem xét trong phân tích cơ bản?
Phân tích cơ bản là một bức tranh to lớn và toàn diện của một công ty cũng như thị trường. Những thông tin này nhiều và ồ ạt đến mức có thể khiến bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể cảm thấy “ngộp thở”. Tuy nhiên, hãy cố gắng tập trung vào nhũng điểm sau đây khi bạn đang tìm kiếm những “manh mối” từ phân tích cơ bản.
- Thư gửi cổ đông: Hãy bắt đầu với việc đọc thư gửi cổ đông hằng năm của CEO công ty mà bạn cần tìm hiểu. Nó sẽ mô tả các sản phẩm dịch vụ của công ty, thị trường mục tiêu, phân tích sơ lược những lợi thế cạnh tranh và những rủi ro nhất định. Nó cũng thể hiện quan điểm, cũng như tầm nhìn của đội ngũ quản lý và đưa ra bức tranh tổng thể về công ty này.
- Báo cáo tài chính: Hãy tìm những báo cáo tài chính đã được kiểm toán, trong báo cáo tài chính sẽ thường có bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Việc xem xét kỹ lưỡng các báo cáo này sẽ giúp chúng ta nhìn nhận được doanh thu, chi phí, lợi nhuận, tài sản, nợ,… Từ đó, tính toán đưa ra những kết luận quan trọng. Lưu ý, cần chú ý đến “Phần thuyết mình báo cáo tài chính”, phần thuyết minh này sẽ đưa ra những con số chi tiết cụ thể về những chỉ số mà bạn đang quan tâm cũng như tháo gỡ những thứ phần khó hiểu trong báo cáo tài chính.
- Xem lại báo cáo của kiểm toán viên: Một bản Báo cáo tài chính được xem là đáng tin cậy, sẽ buộc phải được kiểm toán bởi những công ty kiểm toán đáng tin cậy nhất (một số ví dụ như: Deloitte, PwC, EY, KPMG,…). Tìm kiếm những ý kiến đủ điều kiện hay những phân mục bị “từ chối chịu trách nhiệm” có thể chỉ ra được rất nhiều yếu tố tìm ẩn.

Ảnh: The Wall Street Journal
- Phân tích quản trị doanh nghiệp: Các báo cáo thường niên sẽ có thông tin về hội đồng quản trị, và các vấn đề quản trị doanh nghiệp khác. Hãy xem xét liệu các thông lệ quản lý của công ty có bị xung đột với lợi ích đầu tư của các cổ đông hay liệu có bất kỳ cảnh báo nào chẳng hạn như xung đột lợi ích hay cạnh tranh nội bộ quá mức hay không,…
- Tìm kiếm các tư liệu bổ sung: Hãy cố theo dõi các thông tin về các vấn đề pháp lý, kiện tụng hoặc các yếu tố môi trường, tìm hiểu về những dự án đã hoàn thành hoặc chuẩn bị triển khai,… của công ty đó. Tuy nhiên sẽ phải luôn cẩn trọng và xác thực những thông tin mà bạn tiếp nhận.
Đâu là nhược điểm của phân tích cơ bản?
Phân tích cơ bản là một công cụ hữu ích cho nhà đầu tư, tuy nhiên nó vẫn có những điểm yếu nhất định:
- Tốn nhiều thời gian và công sức: Phân tích cơ bản đòi hỏi nhà đầu tư phải tìm hiểu và xử lý một lượng lớn thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm báo cáo tài chính, tin tức thị trường, báo cáo phân tích,… Quá trình này có thể tốn nhiều thời gian và công sức, đặc biệt là đối với những người mới bắt đầu.
- Tính chủ quan: Mặc dù dựa trên dữ liệu khách quan, nhưng phân tích cơ bản vẫn có yếu tố chủ quan từ phía nhà đầu tư. Cách hiểu và diễn giải thông tin của mỗi người có thể khác nhau, dẫn đến những kết luận khác nhau về giá trị của một cổ phiếu.
- Khó khăn trong việc định thời điểm: Phân tích cơ bản tập trung vào giá trị nội tại của cổ phiếu trong dài hạn, nhưng không cung cấp thông tin chính xác về thời điểm mua hoặc bán cổ phiếu để tối đa hóa lợi nhuận.
- Không phản ánh đầy đủ yếu tố thị trường: Thị trường chứng khoán không chỉ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố cơ bản mà còn bởi tâm lý nhà đầu tư, các sự kiện bất ngờ và các yếu tố kỹ thuật khác. Phân tích cơ bản có thể không phản ánh đầy đủ những yếu tố này.
- Yêu cầu kiến thức chuyên môn: Để thực hiện phân tích cơ bản một cách hiệu quả, nhà đầu tư cần có kiến thức chuyên môn về tài chính, kế toán, kinh tế và các yếu tố liên quan đến ngành nghề của công ty.
- Không phù hợp với mọi phong cách đầu tư: Phân tích cơ bản phù hợp với các nhà đầu tư dài hạn, có tầm nhìn và kiên nhẫn. Nó không phù hợp với những người thích lướt sóng ngắn hạn hoặc những người không có đủ thời gian và kiến thức để thực hiện phân tích.
Tóm lại, phân tích cơ bản là một công cụ hữu hiệu nhưng không hoàn hảo, nhà đầu tư nên kết hợp với các yếu tố trong phân tích kỹ thuật để đạt hiệu quả đầu tư tốt nhất. Nên nhớ, dù hai loại phân tích này khác nhau nhưng chúng sẽ không bao giờ xung đột lẫn nhau, nếu có bất cứ sự xung đột nào, cần đặc biệt cẩn trọng và tìm hiểu thật kỹ trước khi đưa ra các quyết định đầu tư tiếp theo.
Kết luận.
Như vậy, phần này chúng tôi đã chỉ ra những cái nhìn tổng thể và cơ bản nhất về Phân tích cơ bản. Phần tiếp theo chúng tôi sẽ giới thiệu sâu hơn đến những nhà đầu tư về các phương pháp đọc báo cáo tài chính cũng như những chỉ số quan trọng nhằm tìm kiếm những thông tin quan trọng nhất phục vụ cho quá trình đầu tư. Hãy luôn nhớ rằng việc kết hợp nhiều những thông tin chính xác, những phương pháp phân tích sẽ luôn mang lại lợi ích to lớn giúp việc đầu tư vào chứng khoán có thể mang lại những khoản lợi nhuận đảm bảo cho bạn.
(Nguồn tham khảo: Investopedia)